• Banner hội họa VN
  • Banner hội họa VN
HỘI HỌA VIỆT NAM

Triển lãm của Lý Trực Sơn, Đào Châu Hải: Một ngày suy tưởng

Phan Cẩm Thượng

 

 (TT&VH) - Chiều qua 11/12, tại Viet Art Centre đã khai mạc một triển lãm kỳ lạ ghép đôi điêu khắc - hội họa của hai tác giả tuổi trung niên nhưng lão thành trong nghề nghiệp: họa sĩ Lý Trực Sơn (sinh năm 1949) và nhà điêu khắc Đào Châu Hải (1955). Triển lãm có tên Không vô can và Ballad Biển Đông (kết thúc ngày 16/12). Lý do trực tiếp, quan trọng dẫn tới triển lãm lạ lùng này: Giữa năm vừa rồi, họ có một chuyến ra thăm Trường Sa… TT&VH xin giới thiệu bài viết của họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng về triển lãm này.
Trừu tượng 2 (Lý Trực Sơn,
màu tự nhiên trên giấy dó, 2010)
1.Không như những triển lãm khác, người ta sẽ nhìn vào hai người nổi tiếng xem họ có gì mới hơn không, hay là cái cũ cũng được, nhưng phát triển có chiều sâu và hệ thống. Đó là cái nhìn sẽ khắt khe, nhưng tất yếu, nghệ thuật đòi hỏi như vậy với những người theo đuổi và nổi đình đám với nó.

Đây là hai người luôn muốn sống trong đời sống hoàn toàn là nghệ thuật, không phải là cái gì khác, tự họ cũng khắt khe với đồng nghiệp, nghề nghiệp, nhất là với một nền nghệ thuật còn hoạt động rất nghiệp dư, đơn lẻ, thiếu sự liên kết giữa các nghệ thuật và quan hệ mật thiết giữa nghệ sĩ các ngành khác nhau. Cái mâu thuẫn giữa hoàn cảnh sống và nhu cầu sáng tác thực ra đã được giải quyết, ai cũng đủ phương tiện hành nghề, có xưởng vẽ, không quá lo lắng đến cơm áo gạo tiền, nhưng hình như chẳng ai thấy thế là đủ, ai thấy đủ thì mãn nguyện tự dừng nghệ thuật của mình. Nghệ thuật Việt Nam có đủ năng lực để đạt những đỉnh cao, nhưng đối với trường nghệ thuật quốc tế, nó dừng lại ở mức độ phản ảnh đời sống văn hóa. Khi thời điểm giao lưu bắt đầu bằng văn hóa qua đi, nghệ thuật không đẩy sâu được vào thị trường lớn, rồi tự lụi tàn trong rất nhiều quan hệ quốc tế đã có cơ sở tốt đẹp.

Người ta trông chờ ở hai ông không chỉ đứng ở nơi cái mới hình thành, đồng tình với nó, và nếu có thể thì là những người dẫn dắt thế hệ trẻ.

 

Hai mươi năm trước, khi Nguyễn Trung mới ngoài 50 và mới phát triển hội họa trừu tượng, ông than với tôi rằng: Đáng nhẽ ở lứa tuổi 50, 60 người ta phải là những người đi đầu trong các trường phái mới (như ở phương Tây), thì ở ta lại là những người phản đối cái mới và thế hệ trẻ.

Các ngôn ngữ trừu tượng, rồi sắp đặt, trình diễn... ban đầu đều gặp khó khăn để được chấp nhận, rồi sau đó cũng nhanh chóng hòa nhập vào đời sống nghệ thuật chung, nhưng lớp bảo thủ vẫn nguyên như thế, được bổ sung thêm bởi những người già mới và những người trẻ nhưng chóng già nua. Khi sự quản lý nghệ thuật trở nên lỏng lẻo so với thời bao cấp, sự tự chịu trách nhiệm tăng lên, những thế hệ sinh năm 1980, 1990, và không bao lâu nữa là thế hệ sinh năm 2000, tự hình thành một không gian nghệ thuật mới, chỉ có thể gọi là nghệ thuật thị giác, chứ ranh giới giữa các ngôn ngữ và chất liệu không quan trọng nữa.  

2. Đào Châu Hải đã thành công với những nhóm điêu khắc trẻ của ông, liên tục bày triển lãm 5 năm gần đây. Họ thoát hẳn ra khỏi ngôn ngữ tả thực, chất liệu đơn thuần, không gian tượng tròn và hình thể con người đơn thuần. Những điều đó chưa được ly khai nhưng không còn chi phối nữa. Tức là điêu khắc với quan niệm truyền thống, dù là truyền thống cổ điển phương Tây hay truyền thống Á Đông cũng hết khả năng về ngôn ngữ so với nhu cầu và quan niệm về điêu khắc đương đại, tính đến cả Henry More và Brancusi. Điêu khắc đương đại Việt Nam đi sau một nhịp so với hội họa, nhưng nó lại tiến đến bản chất nghệ thuật gần hơn, và không bị (hay không được) thương mại hóa.
Sóng 2 (Đào Châu Hải, sắt, 2010)

 

 

Đào Châu Hải đóng góp tích cực cho công việc này, và luôn dẫn đầu bởi sáng tác bất ngờ, chẳng hạn như bức tượng - cái nhà - đường hầm sóng ở Đồ Sơn. Rồi những tác phẩm Đe sắt lớn, những bức tượng Tứ pháp chất liệu tổng hợp. Trong sáng tác, Đào Châu Hải là con người ngông nghênh, chơi sang, thích sự đồ sộ và ấn tượng mạnh. Những bức tượng lấy cảm hứng từ sóng biển và cuộc sống ở Trường Sa lần này cũng nằm trong cái tính cách đó. Chúng không phải là ẩn dụ nghệ thuật, mà là sự phô diễn cái cảm giác vừa sâu vừa mạnh, vừa trắng trợn, không quan tâm đến thẩm mỹ là gì.  

3. Lý Trực Sơn vẫn là một họa sĩ nề nếp, bước thong thả và ngạo mạn trong lòng. Sơn mài là cơ sở cho thành công của ông, khi ông có thể tự hào là người nắm được những bí quyết chính yếu nhất của hội họa sơn mài. Phần còn lại phó mặc cho số phận thôi.

Khi ông sang Tây, có nữ họa sĩ cho ông tất cả các đồ vẽ sang trọng, mua từ các cửa hàng dành cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, rồi cô nọ đi tìm những màu sắc trong cây cỏ đất đá. Lý Trực Sơn sau này mới hiểu được đó là sự vứt đi các phương tiện thiếu tự nhiên với nghệ thuật, mà quay lại với con đường xưa cũ nhưng biểu cảm tốt nhất cái con người nguyên sơ. Ông chế màu từ đất đá, cây cỏ, miễn là có thể, cái đó thì đầy rẫy trong một khu vườn ngoại ô, tuy màu sắc của chúng là vô định không hề theo ta, không đủ bảng màu, nhưng phong phú theo kiểu tự nhiên của chúng.

Cảm giác về bề mặt màu của tấm sơn mài, cũng theo ông vào việc dùng màu nước chiết xuất từ cây cỏ tự nhiên, ngay cả sự tương đồng giữa trừu tượng vẽ trên giấy dó và trừu tượng sơn mài. Người vẽ không sợ hỏng, không lo mình vẽ gì, không nghĩ đến ai xem, ai đánh giá, không cần giá trị, không mới cũng không cũ... đó chỉ là mình tự biết như vậy, tự là như vậy.

Tôi cũng không làm cái việc đánh giá hai ông vào mức độ nào. Tôi thấy họ sống với nghệ thuật như người có đạo sống có đời sống tôn giáo thường nhật. Họ có thể có những tác phẩm hay hoặc dở, ta thích hay không thích, nhưng chắc chắn đó là hai người nặng lòng với nhân thế, cũng được quy định bởi cái khuôn mẫu văn hóa Việt, và cách này hay cách khác muốn thoát khỏi nó, hoặc làm ra cái khác.
Phan Cẩm Thượng

Theo TT&VH

 

Vài Cảm Nhận Về Cái Động Trong Một Số Tranh Tĩnh Vật Ở Việt Nam
Trần Ngọc Vân Tĩnh vật là một thể loại tranh tương đối mới so với mỹ thuật truyền thống của dân tộc ta. Trước thế kỷ 20, ở Việt Nam tranh tĩnh vật chưa có một sự tồn tại độc lập với ý nghĩa là một thể loại tranh riêng biệt. Trong mỹ thuật dân gian, chủ yếu của dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Ngũ quả là một trong những tranh tĩnh vật hiếm hoi còn thấy được. Ngoài ra còn có dạng tranh tứ bình (mai, lan, cúc, trúc) cũng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, có thể nói tranh tĩnh vật như một thể loại...
Niềm Hoan Ca Của Hội Họa
Điền Thanh Kiệt tác của Henri Matisse là ngôi sao chói lọi, thu hút mọi người xem trong một cuộc triển lãm các họa phẩm trứ danh của hai nền mỹ thuật Nga-Pháp mượn được từ các viện bảo tàng của Nga ở Moscow và St.Petersburg. Giá như lúc này đây bạn được tận mắt thấy tuyệt tác hoành tráng, gây ấn tượng sâu đậm ấy nhan đề Vũ khúc (The Dance), trưng bày tại Bảo tàng Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh thì hay biết mấy. Được nhà sưu tầm Sergei Shchukin đặt vẽ năm 1910 để treo tại đại sảnh mênh mông...
Vị Trí Nào Dành Cho Nền Hội Họa Hôm Nay ?
? Điều lặp đi lặp lại khá nhàm tai của người Pháp: nền hội họa đang tụt dốc như một cái trục lăn, điều tồi tệ là nó đã chết và được chôn vùi từ lâu. Nếu đi sâu vào chi tiết để mổ xẻ thì ta có một danh sách rất dài các vấn đề mà các họa sĩ đương đại cần giải quyết .Đó là tâm lý trầm uất đã được họ thể hiện về mặt nghệ thuật. Sự phát triển tiềm năng của ngành video, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn cho ta cảm giác đã đi đến sự kết thúc của nền hội họa. Việc nghiên cứu vấn đề này...
SƠN MÀI VIỆT NAM _CON ĐƯỜNG DI SẢN
Nguyễn Văn Minh Nghề sơn được hiểu như một nghề truyền thống, phát triển trên cơ sở hình thành những quần cư nông nghiệp lúa nước. Ban đầu, việc dùng nhựa sơn chỉ có ở vùng Viễn Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia hay Thái Lan, … Xuất phát điểm của nó rất có thể từ Trung Quốc rồi lan dần sang các nước khác theo một tiến trình giao lưu văn hóa. Từ đó, sơn mài Việt Nam trên con đường phát triển, ít nhiều chịu ảnh hưởng, tác động của sơn mài...
THỬ ĐI TÌM SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA HỘI HỌA VÀ ẢNH NGHỆ THUẬT
Lương Bửu Hoàng Việc nghiên cứu các mối quan hệ giữa mỹ thuật và nhiếp ảnh có rất nhiều góc độ khác nhau và còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, nên khi đi tìm sự tương đồng và khác biệt giữa hội họa và ảnh nghệ thuật ta sẽ bắt gặp không ít những vấn đề phức tạp. Hơn nữa, khi đặt chúng trong mối quan hệ đa chiều của nghệ thuật tạo hình thì lại nảy sinh những vấn đề không chỉ là sự riêng có giữa hội họa và ảnh nghệ thuật mà còn liên quan đến nhiều nghệ thuật khác như điêu khắc, đồ họa, trang...
CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI HỌA TẠI PHÁP VÀ GIẢI THƯỞNG HỘI HỌA “ĐÔNG DƯƠNG” (PRIX DE L-INDOCHINE)
CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI HỌA TẠI PHÁP VÀ GIẢI THƯỞNG HỘI HỌA ĐÔNG DƯƠNG (PRIX DE L INDOCHINE) MUỐN TÌM HIỂU VỀ HỘI HỌA VIỆT NAM VÀO ĐẦU THẾ KỶ XX VÀ GIẢI THƯỞNG CÓ TÊN LÀ ĐÔNG DƯƠNG , CHÚNG TA CẦN NÓI SƠ QUA VỀ HOÀN CẢNH CŨNG NHƯ CƠ CẤU HỘI HỌA TẠI NƯỚC PHÁP VÀO THỜI ĐIỂM ẤY VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI MỸ THUẬT VIỆT NAM. Ngô Kim Khôi Chú thích hình HÀN LÂM VIỆN VÀ CÁC TỔ CHỨC HỘI HỌA Nền hội họa Pháp chịu sự chi phối của Hàn lâm viện và các tổ chức hội họa. Viện Hàn lâm Pháp (Institut de France)...
Nét, Nhịp Điệu Trong Tranh VAN GOGH
Chú thích hình Van Gogh, hoặc Vincent, vì ông thích được gọi với tên này hơn, đã viết cho người em là nhà buôn bán tranh nghệ thuật Theo vào đầu tháng 9 - 1880, khi ông vừa mới quyết định trở thành một họa sĩ: Giờ đây anh nhìn sự vật với đôi mắt khác hơn trước lúc bắt đầu vẽ . Ông đã diễn tả cảm quan của mình về sự vật một cách nhẹ nhàng như vậy. Cuộc triển lãm Vincent Van Gogh: The Drawing do Viện Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York tổ chức đã...
Top 10 Khuynh Hướng Nghệ Thuật Đương Đại
Chú thích hình Edith Newhall NGHỆ THUẬT GOTHIC MỸ Hình ảnh về cuộc nội chiến và những khoảnh khắc đen tối trong lịch sử quốc gia là đề tài mà nghệ sĩ thể hiện những mối quan tâm về hiện tại Tác phẩm Một thế kỷ của tháng mười một tại trung tâm của Dario Robleto 2005 là một cái áo đầm để tang của đứa trẻ được làm bằng giấy. Bột giấy được nhào nặn từ những bức thư của những người lính không bao giờ trở về từ chiến tranh. Áo đầm được trang trí bằng mực chích từ những bức thư, những cái nút bằng...
Mỹ Thuật Đương Đại Trung Quốc Sẽ Trở Thành Một "Siêu Thế Lực"?
? Mao Trạch Đông Trong số các nghệ sĩ mỹ thuật hàng đầu thế giới hiện nay có hơn một nửa là người châu Á. Đây rõ ràng là một sự thay đổi lớn, bởi thị trường nghệ thuật thế giới đã nằm trong sự thống trị của các tên tuổi đến từ châu Âu suốt 500 năm. Trong số 20 họa sĩ đương đại ăn khách hàng đầu thế giới hiện nay có 13 nghệ sĩ châu Á, với 11 người đến từ Trung Quốc. Còn trong 10 tên tuổi bán được nhiều tác phẩm mỹ thuật nhất ở các cuộc đấu giá, châu Á có 6, với 5 nghệ sĩ là người Trung Quốc....
Hội Họa Pháp & Ảnh Hưởng Của Nó Tại Đông Dương
Nguyễn Văn Minh Trong hội họa, nước Ý đi trước các nước Châu Âu. Những năm 1300, Ý đã có những họa sĩ lớn, và từ năm 1400, có những danh họa vô song. Dòng họ Médicis gần như đã đam mê, ủng hộ nghệ thuật một cách cuồng nhiệt, làm sống động một sự phục hưng, và chính sự phục hưng này đã làm cho những nhà cầm quyền độc tài ở Florence, những giáo hoàng ở Rome, thấy được màu máu của nó cũng đã chảy trong những tĩnh mạch của các ông vua nước Pháp. Chuyển động phục hưng này đã được hưởng ứng một...
KẺ DỊ THƯỜNG DAMIEN HIRST
Y Chiêu Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, chưa có ai lập được kỳ tích như Damien Hurst, nghệ sĩ tạo hình đương đại người Anh 43 tuổi. Dù các tác phẩm của ông còn gây tranh cãi về giá trị thẩm mỹ, chúng đã gây được những cơn sốt không tài nào hiểu nổi trên thị trường. Người ta đã mua tất cả những gì có chữ ký của Hirst. NHỮNG KỶ LỤC Ngày 16 và 17/09 vừa qua (2008), Sotheby s London đã tổ chức đấu giá trực tiếp cho toàn bộ tác phẩm của Hirst. Điểm đặc biệt của sự kiện này là tác giả không thông qua...