• Banner hội họa VN
  • Banner hội họa VN
HỘI HỌA VIỆT NAM
Vài Cảm Nhận Về Cái Động Trong Một Số Tranh Tĩnh Vật Ở Việt Nam
Trần Ngọc Vân

 

Tĩnh vật là một thể loại tranh tương đối mới so với mỹ thuật truyền thống của dân tộc ta. Trước thế kỷ 20, ở Việt Nam tranh tĩnh vật chưa có một sự tồn tại độc lập với ý nghĩa là một thể loại tranh riêng biệt. Trong mỹ thuật dân gian, chủ yếu của dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, “Ngũ quả” là một trong những tranh tĩnh vật hiếm hoi còn thấy được. Ngoài ra còn có dạng tranh tứ bình (mai, lan, cúc, trúc) cũng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, có thể nói tranh tĩnh vật như một thể loại chỉ thực sự xuất hiện và phổ biến ở nền hội họa hiện đại. Trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời một vài tác giả Việt Nam cũng đã vẽ tranh tĩnh vật, tuy điều này về mỹ cảm khác với quan niệm truyền thống. Tranh sơn dầu “Tĩnh vật” của Nam Sơn vẽ năm 1923 là một trong những bức tranh như vậy.
Tác phẩm “Lọ hoa” của Lê Phổ (1907 – 2001), diễn tả một lọ hoa màu trắng với những bông hoa và lá trên nền phông màu vàng đậm theo phong cách xưa cũ, thể hiện bằng màu nước trên nền lụa tơ tằm là một sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa mảng và nét, giữa những sắc độ tinh tế của màu kết hợp với những vệt màu chấm phá theo lối tranh thủy mặc, gợi sự rung động huyền ảo trong không gian hội họa giữa thực và hư.


Phạm Hậu là một nghệ sĩ nổi tiếng về tranh sơn mài với tinh thần khác hẳn tranh của Nguyễn Gia Trí, người đã dùng kỹ thuật sơn mài thể hiện thật tuyệt vời những cảm hứng mộng mơ của mình, thì ông lại là người diễn tả rất tinh vi với màu sắc hài hòa, tạo nên nhiều tác phẩm có tính chất trang trí rất đẹp, bức tranh sơn mài “Gió mùa hè” (1940), diễn tả cơn gió thổi qua hồ sen. Hòa sắc của tranh là màu đặc trưng sơn mài truyền thống: màu đỏ đậm của nền gợi đến cảm giác nóng nực, đồng thời tạo độ sâu của đêm. Nhịp điệu nghiêng ngả và màu sáng nổi bật của những cánh sen gợi tả cái lung linh, sinh động như vũ điệu ánh trăng trên những cành hoa sen. Tất cả những đối tượng được miêu tả trong tranh cùng chao nghiêng về một hướng trước ngọn gió, cái động của tranh được họa sĩ nhấn mạnh thêm bằng những cánh hoa rơi rụng bay theo gió, con chuồn chuồn mỏng manh đang cố gắng bay đậu vào cành hoa sen. Đây có lẽ là một trong những bức tranh thành công ở thể loại tĩnh vật theo dạng tranh hoa điểu – thảo trùng của phương Đông cổ họa trong buổi đầu hình thành nền hội họa Việt Nam hiện đại.

 

Giai đoạn sau của nghệ thuật Việt Nam, nhất là từ năm 1954 đã phát triển một cách mạnh mẽ, trong đó có mảng tranh tĩnh vật. Tranh sơn mài “Tĩnh vật” của Lê Huy Hòa tuy là một bức tranh nhỏ nhưng có dấu ấn rất lớn cho thể loại này giai đọan thập niên 60 thế kỷ trước. Với không gian chật và đơn giản, cái động và tĩnh trong tranh được thể hiện qua sự tinh tế và chắt lọc của hình theo ngôn ngữ hội họa phương Đông. Những nét mảnh và rối của cánh hoa màu trắng chuyển động trong cái khung tĩnh của chiếc ghế tre, đường cong của chiếc bình ẩn trong hình vuông của ghế và thổ cẩm, tạo ra từng cặp đối xứng giữa tĩnh và động làm thành một không gian vừa lặng lẽ vừa vui tươi. 
Ở phía Nam, tranh tĩnh vật cũng rất phát triển vì tính trang hoàng, nhẹ nhàng của chúng phù hợp với thị hiếu công chúng. Nguyễn Văn Rô là một họa sĩ sơn mài tên tuổi, trong số ít bức tranh còn lại của ông, bức “Tĩnh vật” là một bức tranh đẹp. Những cái ly thủy tinh trong không gian đặc trưng của then và vàng, cái động được thể hiện bằng những nét mảnh của ly trên nền lặng lẽ sâu thẳm của màu đen. Động và tĩnh ở trong tranh này nằm trong cái quý của chất liệu.

Nghệ thuật Cách mạng Việt Nam cũng hình thành và phát triển với tất cả những tâm huyết và sức trẻ của các thế hệ nghệ sĩ, những người lính vừa cầm súng vừa cầm bút vẽ. Có thể đơn cử ở đây trường hợp của họa sĩ Lê Trí Dũng với tranh tĩnh vật “Chân dung người lính”. Trên nền vải “toan” thô, không sơn lót, giữa những bệt màu đỏ sẫm như máu là những vật dụng quen thuộc của người lính: ba lô con cóc, mũ tai bèo, đôi dép cao su, chiếc thắt lưng quấn lấy cái bi đông tróc sơn gắn với con dao găm mòn lưỡi. Đặc biệt có khẩu tiểu liên AK47 rỉ sét, đứng tựa vào balô, báng súng vỡ toác, chốt cắm luỡi lê gãy cụt. Phương pháp xử lý chất liệu sơn dầu bằng kỹ thuật trét những bệt màu dầy (en pleind), chắc, khỏe, chủ yếu bằng dao, vẽ như trát vữa, màu đơn sắc chủ yếu là xanh và đen tương phản mạnh mẽ với những bệt màu đỏ bao bọc xung quanh hệ thống hình tượng, nhất quán và hợp lý, rất phù hợp với ý tưởng và nội dung bi tráng của tác phẩm, tạo nên sự đồng cảm, xúc động cho người xem.

Sự vững tin vào chiến thắng tạo nên tinh thần lạc quan, dù trong mọi hoàn cảnh của chiến tranh, người nghệ sĩ – chiến sĩ cách mạng Việt Nam vẫn phát hiện ra những vẻ đẹp độc đáo, lãng mạn. Tranh khắc gỗ theo phong cách dân gian “Phía sau trận đánh” của Đinh Lực, thể hiện một cây đàn được làm từ những mảnh bom, lọ hoa được làm từ quả bom bi và chậu trồng hoa là chiếc nón lính Mỹ, từ đây những bông hoa mọc vút lên như ánh sao trong bầu trời đầy mây trắng, như khát vọng được sống trong hòa bình.

 

Từ 1975 đến nay, nền mỹ thuật Việt Nam đã trưởng thành và phát triển mạnh. Nhiều xu hướng nghệ thuật xuất hiện, nhiều tác giả – tác phẩm có giá trị ra đời trong không khí sôi động của các hoạt động mỹ thuật. Trong số đó tất nhiên phải kể đến những tác phẩm về đề tài tĩnh vật.
“Ngũ quả” là một đề tài thường được nhiều họa sĩ yêu thích trong khi vẽ tĩnh vật. Vẻ đẹp của các loại trái cây khơi nguồn cảm hứng cho việc sáng tác. Và hơn thế nữa, người Việt Nam là những cư dân của vùng nhiệt đới, quanh năm bốn mùa hoa trái … vốn chịu ảnh hưởng triết lý “Tam tài - Ngũ hành”. Tác phẩm “Tĩnh vật” của họa sĩ Phạm Văn Đôn sử dụng những nét đen trong tranh - vốn là yếu tố đặc trưng của tranh khắc gỗ truyền thống – rất hiệu qủa: khỏe nhưng cũng không kém sự mềm mại, tự nhiên, vừa có tác dụng định hình, vừa làm vai trò liên kết các màu, nhất là những màu nguyên sắc; làm tăng cái “động” của tranh, tạo nên sự rộn ràng rạo rực của ngày Tết; gợi cho ta một cảm giác mộc mạc thân quen,thường vẫn gặp trong tranh Đông Hồ! 
Ngoài sự nổi tiếng của loạt tranh Phố Phái, thế giới hội hoạ của Bùi Xuân Phái cũng tạo ấn tượng mạnh với những tác phẩm về đề tài tĩnh vật. Ông phát hiện những điều tinh tế, rất cảm xúc trong cái bình dị, thường nhật mà mọi người hay dễ dàng bỏ qua, mặc dù chúng luôn nằm trong tầm nhìn cảm thụ. Trong tranh của ông, bồng bềnh những thực và hư,, dường như ông đã tạo nên sự kết nối không gian với thời gian. Ông đọc những tâm sự của chiếc đèn dầu, ống điếu thuốc lào nghiêng ngả trong hoà sắc xám được sử dụng một cách tinh tế. Loạt tranh về ống điếu hút thuốc lào với những biến tấu khác nhau tạo cho người xem mối đồng cảm suy ngẫm vào tâm tư của chính bản thân mình. Chỉ với những vật tĩnh rất bình thường, nhưng ở trong tác phẩm của ông, nó đã nói lên lịch sử  và thân phận của con người, với nắng mưa và thời gian, niềm vui và nỗi buồn và những dấu ấn của kỷ niệm.

Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh rất có duyên với nghệ thuật tranh khắc. Ông thường gởi gắm lòng mình vào tranh tĩnh vật như với bức “Hoa lan y” được khắc thạch cao, ông đã tạo nên một bức tranh tĩnh vật rất động, có hồn, vừa đẹp về nghệ thuật, vừa gần gũi với tâm tình người Việt, đặc trưng trong tinh thần nghệ thuật Á Đông.
Tranh của Trần Lưu Hậu có cái nhìn hội họa lãng mạn, tươi sáng và trẻ trung.Với chất liệu có khi là bột màu, đôi lúc là sơn dầu, trong tay ông là một bảng màu phong phú, sự tương phản với những tiết điệu khoáng hoạt; dùng những nét to, thô làm tăng nhịp điệu mạnh mẽ cho bức tranh, gây ấn tượng trong trẻo, hồn nhiên, vừa tĩnh lại vừa động làm vui mắt người xem, nên tác phẩm của ông tựa như những cuộc lễ hội tươi vui, sinh động của màu sắc. Tâm hồn Trần Lưu Hậu thể hiện qua hội họa của ông dung dị, khỏe khoắn. Tranh của ông như một bữa tiệc của màu sắc, tự chúng chuyển động, tạo ra không khí cho bức tranh, vượt qua ranh giới của hình. 
Trần Khánh Chương là người năng động, tự tin trên cuộc hành trình tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật, ông luôn vượt chính mình để tự khẳng định qua nhiều tác phẩm với chất liệu khác nhau từ gốm đến khắc gỗ, khắc thạch cao, vẽ giấy gió, sơn dầu … Xem loạt tranh “Hoa” của ông, có bút pháp giàu tính động, biểu cảm, thiên về gợi tả, với chất liệu tempera của phương Tây, và lụa – một chất liệu nền thông dụng của phương Đông tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo với một hình thức mới cho nghệ thuật lụa hiện đại. 

Hứa Thanh Bình rất thành công trong bức sơn dầu “Ngựa giấy”, bằng kỹ thuật vẽ màu dày, với bút pháp mạnh mẽ, sinh động, giàu cảm xúc. Chỉ với hình ảnh con ngựa giấy hàng mã, tác giả đã tạo bất ngờ về cái động của tác phẩm, cho người xem bằng thủ pháp sử dụng các mảng màu xám lung linh, phóng khoáng trong chủ sắc trắng, cuồn cuộn trải rộng khắp mặt tranh kết hợp với sự định hình của tự nhiên. 
Lê Anh Vân là một họa sỹ sáng tác khỏe, với cách xử lý bố cục thông minh, gọn và chắc chắn, những hình tượng nghệ thuật tự nhiên, đơn giản, súc tích, giàu sức biểu cảm và gợi tả, mang nhiều ý nghĩa tượng trưng sâu sắc chứng tỏ sự uyên thâm trong kiến thức hội họa. Cái động trong bức tranh sơn dầu “Không gian tĩnh” là sự tương phản có chủ ý rõ ràng giữa ý tưởng và hình thức thể hiện, giữa những hình ảnh đàn chim đang đậu trên con bù nhìn, tạo tiền đề cho người xem liên tưởng đến nhiều cặp phạm trù khác nhau có tính chất biểu tượng trong cuộc sống. Dùng những vệt màu đa sắc gợi tả tiếng gió, tiếng vỗ cánh của chim khi bay đến đậu lên con bù nhìn trong không khí xôn xao của tác phẩm để diễn tả sự yên tĩnh. Sự yên tĩnh dường như là do vắng bóng con người, chứ không phải thiên nhiên đang tĩnh lặng.

 

Nói đến lịch sử tranh tĩnh vật Việt nam từ sau năm 1975 đến nay, không thể không nhắc đến tên của 2 họa sỹ vẽ tả thực rất điêu luyện là Lê Huy Tiếp và Đỗ Quang Em. Tác phẩm “Eva trở về” được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu theo thể loại tranh tĩnh vật với phong cảnh và động vật (biển và con mèo) của Lê Huy Tiếp. Tranh của ông rất hóm hỉnh trong cách đặt vấn đề và sử dụng hình tượng nghệ thuật, dẫn dắt sự tưởng tượng của người xem theo hướng nhìn của con mèo ra bên ngoài tranh, rồi sau đó quay trở lại những vật tĩnh ở phần chính giữa bức tranh, để hiểu ra ý nghĩa của nó. Xử lý hình tượng nghệ thuật với trang phục và vật dụng là của một cô gái hiện đại, họa sỹ đã kết hợp quan niệm ý tưởng động – kết cấu mở trong nghệ thuật Á Đông với hình thức thể hiện tả chân của phương Tây, tạo nên sức gợi tả cho tác phẩm.
            
Đỗ Quang Em ưa cái đẹp của sự nghiêm trang trong cái tranh tối tranh sáng của sự vật. Đề tài trong tranh tĩnh vật của ông là những vật rất bình dị: viên gạch cũ, chiếc đèn dầu, cái bình gốm, chõng tre… Không gian hội họa trong tranh của ông lặng lẽ, suy tư. Với kỹ thuật tả chân điêu luyện, sử dụng kỹ thuật phủ màu tạo mặt phẳng tranh mịn, trơn láng, có độ chính xác tương đương với ảnh chụp. Bức tranh “Cái bóng” bằng chất liệu sơn dầu, tả những chiếc lá tre khô như diễn tả sự rung động tinh tế trong tâm hồn tác giả. Cái động trong tác phẩm này chính là cái động trong sự liên tưởng của người xem với ánh sáng và bóng tối trong tranh tạo nên nhịp điệu quay vòng, cũng là biểu hiện ý tưởng vòng luân hồi sáng tối. Một thế giới đậm đặc chất Thiền phương Đông với những đường cong của ấm nước, những cái bóng phía sau tương phản với đường gẫy khúc của nhánh lá tre khô dường như đang run rẩy trong không gian tịch mịch, một không gian hội họa tĩnh vật cổ điển châu Âu thế kỷ 17, 18.

Cùng các nghệ sỹ vừa kể trên và nhiều người nữa không thể nêu hết ở đây, dù mỗi người mang một phong cách, theo đuổi nghề nghiệp với mục đích không giống nhau, đều đã đóng góp những tìm tòi khám phá khác nhau cho thể loại tranh tĩnh vật Việt Nam. Tác phẩm của họ phản ánh một lịch sử lâu dài của hội họa Việt Nam, cùng  tính chất năng động của thời đại trong sự kế thừa và phát huy truyền thống hội họa dân tộc. Và có lẽ, đó chính là sự thu hút người xem, nguồn lực làm nên sức mạnh biểu cảm rất động trong tranh của họ. 
T.N.V.
Họa Ảnh Việt Nam - Bức Tranh Độc Đáo Trên Sàn Đấu Giá
Tại cuộc đấu giá của nhà Borobudur diễn ra hôm 11 và 12/10 vừa rồi tại Singapore, trong đề mục Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Đông Nam Á, tác phẩmVietnam Pictorial (Họa ảnh Việt Nam, sơn dầu trên bố, 275 x 200cm) của Thân Lượng (Shen Liang) thuộc số thứ tự 180, có giá sàn từ 28.571 đến 42.857 USD. Bức tranh được giới thiệu là một tác phẩm rất đặc biệt về đề tài nữ bộ đội Việt Nam trong thời chiến tranh, được nhìn bởi một người nước ngoài trẻ tuổi, và có giá khởi điểm rất cao. 1. Thân...
Niềm Hoan Ca Của Hội Họa
Điền Thanh Kiệt tác của Henri Matisse là ngôi sao chói lọi, thu hút mọi người xem trong một cuộc triển lãm các họa phẩm trứ danh của hai nền mỹ thuật Nga-Pháp mượn được từ các viện bảo tàng của Nga ở Moscow và St.Petersburg. Giá như lúc này đây bạn được tận mắt thấy tuyệt tác hoành tráng, gây ấn tượng sâu đậm ấy nhan đề Vũ khúc (The Dance), trưng bày tại Bảo tàng Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh thì hay biết mấy. Được nhà sưu tầm Sergei Shchukin đặt vẽ năm 1910 để treo tại đại sảnh mênh mông...
Vị Trí Nào Dành Cho Nền Hội Họa Hôm Nay ?
? Điều lặp đi lặp lại khá nhàm tai của người Pháp: nền hội họa đang tụt dốc như một cái trục lăn, điều tồi tệ là nó đã chết và được chôn vùi từ lâu. Nếu đi sâu vào chi tiết để mổ xẻ thì ta có một danh sách rất dài các vấn đề mà các họa sĩ đương đại cần giải quyết .Đó là tâm lý trầm uất đã được họ thể hiện về mặt nghệ thuật. Sự phát triển tiềm năng của ngành video, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn cho ta cảm giác đã đi đến sự kết thúc của nền hội họa. Việc nghiên cứu vấn đề này...
SƠN MÀI VIỆT NAM _CON ĐƯỜNG DI SẢN
Nguyễn Văn Minh Nghề sơn được hiểu như một nghề truyền thống, phát triển trên cơ sở hình thành những quần cư nông nghiệp lúa nước. Ban đầu, việc dùng nhựa sơn chỉ có ở vùng Viễn Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia hay Thái Lan, … Xuất phát điểm của nó rất có thể từ Trung Quốc rồi lan dần sang các nước khác theo một tiến trình giao lưu văn hóa. Từ đó, sơn mài Việt Nam trên con đường phát triển, ít nhiều chịu ảnh hưởng, tác động của sơn mài...
THỬ ĐI TÌM SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA HỘI HỌA VÀ ẢNH NGHỆ THUẬT
Lương Bửu Hoàng Việc nghiên cứu các mối quan hệ giữa mỹ thuật và nhiếp ảnh có rất nhiều góc độ khác nhau và còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, nên khi đi tìm sự tương đồng và khác biệt giữa hội họa và ảnh nghệ thuật ta sẽ bắt gặp không ít những vấn đề phức tạp. Hơn nữa, khi đặt chúng trong mối quan hệ đa chiều của nghệ thuật tạo hình thì lại nảy sinh những vấn đề không chỉ là sự riêng có giữa hội họa và ảnh nghệ thuật mà còn liên quan đến nhiều nghệ thuật khác như điêu khắc, đồ họa, trang...
CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI HỌA TẠI PHÁP VÀ GIẢI THƯỞNG HỘI HỌA “ĐÔNG DƯƠNG” (PRIX DE L-INDOCHINE)
CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI HỌA TẠI PHÁP VÀ GIẢI THƯỞNG HỘI HỌA ĐÔNG DƯƠNG (PRIX DE L INDOCHINE) MUỐN TÌM HIỂU VỀ HỘI HỌA VIỆT NAM VÀO ĐẦU THẾ KỶ XX VÀ GIẢI THƯỞNG CÓ TÊN LÀ ĐÔNG DƯƠNG , CHÚNG TA CẦN NÓI SƠ QUA VỀ HOÀN CẢNH CŨNG NHƯ CƠ CẤU HỘI HỌA TẠI NƯỚC PHÁP VÀO THỜI ĐIỂM ẤY VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI MỸ THUẬT VIỆT NAM. Ngô Kim Khôi Chú thích hình HÀN LÂM VIỆN VÀ CÁC TỔ CHỨC HỘI HỌA Nền hội họa Pháp chịu sự chi phối của Hàn lâm viện và các tổ chức hội họa. Viện Hàn lâm Pháp (Institut de France)...
Nét, Nhịp Điệu Trong Tranh VAN GOGH
Chú thích hình Van Gogh, hoặc Vincent, vì ông thích được gọi với tên này hơn, đã viết cho người em là nhà buôn bán tranh nghệ thuật Theo vào đầu tháng 9 - 1880, khi ông vừa mới quyết định trở thành một họa sĩ: Giờ đây anh nhìn sự vật với đôi mắt khác hơn trước lúc bắt đầu vẽ . Ông đã diễn tả cảm quan của mình về sự vật một cách nhẹ nhàng như vậy. Cuộc triển lãm Vincent Van Gogh: The Drawing do Viện Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York tổ chức đã...
Top 10 Khuynh Hướng Nghệ Thuật Đương Đại
Chú thích hình Edith Newhall NGHỆ THUẬT GOTHIC MỸ Hình ảnh về cuộc nội chiến và những khoảnh khắc đen tối trong lịch sử quốc gia là đề tài mà nghệ sĩ thể hiện những mối quan tâm về hiện tại Tác phẩm Một thế kỷ của tháng mười một tại trung tâm của Dario Robleto 2005 là một cái áo đầm để tang của đứa trẻ được làm bằng giấy. Bột giấy được nhào nặn từ những bức thư của những người lính không bao giờ trở về từ chiến tranh. Áo đầm được trang trí bằng mực chích từ những bức thư, những cái nút bằng...
Mỹ Thuật Đương Đại Trung Quốc Sẽ Trở Thành Một "Siêu Thế Lực"?
? Mao Trạch Đông Trong số các nghệ sĩ mỹ thuật hàng đầu thế giới hiện nay có hơn một nửa là người châu Á. Đây rõ ràng là một sự thay đổi lớn, bởi thị trường nghệ thuật thế giới đã nằm trong sự thống trị của các tên tuổi đến từ châu Âu suốt 500 năm. Trong số 20 họa sĩ đương đại ăn khách hàng đầu thế giới hiện nay có 13 nghệ sĩ châu Á, với 11 người đến từ Trung Quốc. Còn trong 10 tên tuổi bán được nhiều tác phẩm mỹ thuật nhất ở các cuộc đấu giá, châu Á có 6, với 5 nghệ sĩ là người Trung Quốc....
Hội Họa Pháp & Ảnh Hưởng Của Nó Tại Đông Dương
Nguyễn Văn Minh Trong hội họa, nước Ý đi trước các nước Châu Âu. Những năm 1300, Ý đã có những họa sĩ lớn, và từ năm 1400, có những danh họa vô song. Dòng họ Médicis gần như đã đam mê, ủng hộ nghệ thuật một cách cuồng nhiệt, làm sống động một sự phục hưng, và chính sự phục hưng này đã làm cho những nhà cầm quyền độc tài ở Florence, những giáo hoàng ở Rome, thấy được màu máu của nó cũng đã chảy trong những tĩnh mạch của các ông vua nước Pháp. Chuyển động phục hưng này đã được hưởng ứng một...
KẺ DỊ THƯỜNG DAMIEN HIRST
Y Chiêu Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, chưa có ai lập được kỳ tích như Damien Hurst, nghệ sĩ tạo hình đương đại người Anh 43 tuổi. Dù các tác phẩm của ông còn gây tranh cãi về giá trị thẩm mỹ, chúng đã gây được những cơn sốt không tài nào hiểu nổi trên thị trường. Người ta đã mua tất cả những gì có chữ ký của Hirst. NHỮNG KỶ LỤC Ngày 16 và 17/09 vừa qua (2008), Sotheby s London đã tổ chức đấu giá trực tiếp cho toàn bộ tác phẩm của Hirst. Điểm đặc biệt của sự kiện này là tác giả không thông qua...