• Banner hội họa VN
  • Banner hội họa VN
HỘI HỌA VIỆT NAM
Ở nhà trọ chục đô, mua tranh ngàn đô!
Yukio Ogushi

(TT&VH) - Có khoảng 20 năm kinh nghiệm và khoảng 15 lần đến Việt Nam lưu trú nhiều tháng liên tục, ông Yukio Ogushi (sinh 1943) đã sưu tập được khoảng 250 bức tranh, và đã tổ chức cho các họa sĩ vài triển lãm tại Nhật, Thái Lan và Việt Nam.

Vậy nhưng ông không thích mọi người gọi mình là nhà sưu tập, người giám tuyển, người môi giới… nghệ thuật. Không dùng điện thoại, internet, trên hành trình độc đạo, ông chỉ có một nguyên tắc duy nhất để làm việc là trực tiếp đến gặp các họa sĩ, thấy thích tranh thì mua.

Trong triển lãm Giai điệu màu của Phan Vũ đang diễn ra tại phòng tranh Tự Do (TP.HCM), ông đã mua bức Yêu 3 (81x54cm) với giá mà nhà tổ chức đưa ra gần ngàn đô la.

* Theo tin từ phòng tranh Tự Do và các họa sĩ đã bán tác phẩm cho ông, họ nói trước kia ông làm kinh tế, kinh doanh về nông nghiệp, chuyên xây cất chuồng trại cho gà vịt nuôi công nghiệp. Vậy tại sao 20 năm trở lại đây, ông lại vứt bỏ hết để chuyển qua mua tranh?
- Tôi trở nên yêu thích tranh một cách tình cờ. Năm 1988, tôi và vợ ly hôn, cô ấy trở thành người quản lý hết công việc của xí nghiệp, tôi thành rảnh việc, suốt ngày đi chơi.  Bức tranh đầu tiên tôi mua của một họa sĩ trẻ ở Manila (Philippines), vì lý do đơn giản là muốn bức vách gỗ ở nhà có cái gì đó treo lên.

Rồi trong hành trình đi đây đi đó, nhất là khi đến Việt Nam từ khoảng 1989, khi xem và mua tranh của Lê Thánh Thư, tự nhiên tôi thấy mình quá thích tranh. Trong mấy trăm bức tranh mà tôi đã mua ở các nước (phần lớn là của Việt Nam), vì không phải dân chuyên nghiệp, tôi chỉ tuân thủ nguyên tắc: tranh phải gây cho mình cảm xúc; phải của họa sĩ còn sống và trẻ thì càng tốt. Với lại, tôi mua về cũng chỉ cất tại tư gia ở Tokyo, khi rảnh thì lấy ra xem, chưa bao giờ có ý bán chác hay kinh doanh nghệ thuật, nên không sợ chuyện mua đắt bán rẻ.

* Miệt mài trong suốt 20 năm chỉ làm mỗi một việc đi, thấy tranh nào thích thì mua; riêng Việt Nam, ông cũng đến khoảng 15 lần, gặp gỡ nhiều họa sĩ, quan hệ với nhiều phòng tranh và phần lớn các nhà sưu tập. Ông hẳn là một “đại gia” nên mới có thể làm được chuyện này?
- Ồ không, tôi chỉ là người đủ ăn thôi, chứ chẳng phải giàu có gì. Ở Tokyo tôi có một căn nhà cũng rộng rãi, nếu ở đấy một mình thì mỗi tháng tôi phải chi phí hết khoảng 3.000USD, nhưng sang Đông Nam Á, ví dụ Việt Nam, thì mỗi tháng chỉ cần có 500-700USD, dư ra khoảng 2.000USD thì cũng đã mua được 2-3 bức tranh của họa sĩ trẻ. Tôi cũng ngăn căn nhà ở Tokyo thành 2 phần, phần lớn cho thuê, phần nhỏ làm kho bảo quản tranh và phần nhỏ hơn để ở. Tôi cũng có một ít tiền hưu, cộng hai thứ lại cũng đủ để mua tranh lai rai.

Bạn bè họa sĩ Việt Nam đều biết, tôi ít khi nào chọn ở những nhà trọ có giá cao hơn 8USD/1 ngày đêm; tôi thích cà phê đen và miến lươn, cũng khá rẻ tiền ở đây; tôi đi xe đạp thường xuyên, xa thì đi xe đò, xe buýt, nếu phải bay thì chọn loại máy bay giá rẻ nhất.

So với giới mua bán tranh ở Việt Nam, tôi tự hào là ma xó, biết được khá nhiều ngóc ngách giá rẻ mà đa số họ không biết. Người Nhật vốn tiết kiệm, tôi lại thuộc hàng siêu tiết kiệm, nên không dùng cả điện thoại, e-mail, Internet… cho đỡ tốn và cũng đỡ rắc rối.

Tác phẩm Yêu 3 của Phan Vũ
mà Yukio Ogushi đã mua.
* Không dùng các phương tiện hiện đại để liên lạc, điều đó có ảnh hưởng nhiều đến công việc của ông không? Nhất là chuyện đưa các họa sĩ đi triển lãm ở các nước, làm sao thu xếp cho hợp lý?
- Thường thì mỗi năm tôi chỉ tổ chức một triển lãm ở Bangkok, như năm nay thì từ ngày 3 đến 22/8 tại Akko Art gallery, cho 13 họa sĩ người Nhật. Trong khoảng 2 năm thì tôi đưa một họa sĩ Nhật đến Việt Nam hoặc ngược lại, như cuối năm 2008 vừa rồi là họa sĩ Kato Shojiro triển lãm cá nhân ở phòng tranh Tự Do.

Trong năm tới, tôi sẽ đưa một vài họa sĩ Việt Nam sang Bangkok để triển lãm cùng các họa sĩ Nhật và Thái Lan. Cách làm việc của người không phương tiện truyền thông là dùng uy tín để hẹn hò trước, đến ngày đến giờ là diễn ra, nếu có trục trặc thì báo trước để người ta điều chỉnh.

“Người Nhật vốn tiết kiệm, tôi lại thuộc hàng siêu tiết kiệm, nên không dùng cả điện thoại, e-mail, Internet… cho đỡ tốn và cũng đỡ rắc rối” (phát biểu của Yukio Ogushi)



* Ở Việt Nam, ông thích họa sĩ nào nhất? Đặc điểm chung của tranh Việt theo ông là gì?
- Vì ở đây lâu năm, nên tôi có thời giờ để xem phần lớn hình chụp tác phẩm hoặc tác phẩm của các họa sĩ từ thời mỹ thuật Đông Dương cho đến nay. Thời Pháp thuộc, tuy có ảnh hưởng phong cách phương Tây, nhưng tranh Việt vẫn có nhiều nét riêng, nên vẫn hấp dẫn người xem hiện nay.

Thời kháng chiến, những ký họa cũng rất cảm xúc và có giá trị tư liệu. Theo sở thích chủ quan, trong khu vực Đông Á, tranh Việt Nam là nhiều chất thơ nhất; ở trong nước, tranh của các họa sĩ miền Nam nhiều chất thơ hơn họa sĩ miền Bắc, nhưng giá bán thì ngược lại…

Nhưng như đã nói, do không phải là người kinh doanh nghệ thuật, nên tôi chỉ mua những tác phẩm vừa khả năng của mình. Tôi đã mua tranh của vài chục họa sĩ Việt Nam, nhưng bức tranh đầu tiên là của Lê Thánh Thư vào năm 1989, và đây cũng là họa sĩ Việt Nam mà tôi thích nhất. Trong cuộc đời nghệ thuật, Lê Thánh Thư có nhiều thay đổi về phong cách và chất liệu, nhưng giai đoạn mà họa sĩ này triển lãm ở Tokyo (1999) với tôi là nhiều chất thơ nhất.

Văn Bảy (thực hiện)

Theo Thể thao & văn hóa



 

Vài Cảm Nhận Về Cái Động Trong Một Số Tranh Tĩnh Vật Ở Việt Nam
Trần Ngọc Vân Tĩnh vật là một thể loại tranh tương đối mới so với mỹ thuật truyền thống của dân tộc ta. Trước thế kỷ 20, ở Việt Nam tranh tĩnh vật chưa có một sự tồn tại độc lập với ý nghĩa là một thể loại tranh riêng biệt. Trong mỹ thuật dân gian, chủ yếu của dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Ngũ quả là một trong những tranh tĩnh vật hiếm hoi còn thấy được. Ngoài ra còn có dạng tranh tứ bình (mai, lan, cúc, trúc) cũng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, có thể nói tranh tĩnh vật như một thể loại...
Niềm Hoan Ca Của Hội Họa
Điền Thanh Kiệt tác của Henri Matisse là ngôi sao chói lọi, thu hút mọi người xem trong một cuộc triển lãm các họa phẩm trứ danh của hai nền mỹ thuật Nga-Pháp mượn được từ các viện bảo tàng của Nga ở Moscow và St.Petersburg. Giá như lúc này đây bạn được tận mắt thấy tuyệt tác hoành tráng, gây ấn tượng sâu đậm ấy nhan đề Vũ khúc (The Dance), trưng bày tại Bảo tàng Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh thì hay biết mấy. Được nhà sưu tầm Sergei Shchukin đặt vẽ năm 1910 để treo tại đại sảnh mênh mông...
Vị Trí Nào Dành Cho Nền Hội Họa Hôm Nay ?
? Điều lặp đi lặp lại khá nhàm tai của người Pháp: nền hội họa đang tụt dốc như một cái trục lăn, điều tồi tệ là nó đã chết và được chôn vùi từ lâu. Nếu đi sâu vào chi tiết để mổ xẻ thì ta có một danh sách rất dài các vấn đề mà các họa sĩ đương đại cần giải quyết .Đó là tâm lý trầm uất đã được họ thể hiện về mặt nghệ thuật. Sự phát triển tiềm năng của ngành video, nhiếp ảnh, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn cho ta cảm giác đã đi đến sự kết thúc của nền hội họa. Việc nghiên cứu vấn đề này...
SƠN MÀI VIỆT NAM _CON ĐƯỜNG DI SẢN
Nguyễn Văn Minh Nghề sơn được hiểu như một nghề truyền thống, phát triển trên cơ sở hình thành những quần cư nông nghiệp lúa nước. Ban đầu, việc dùng nhựa sơn chỉ có ở vùng Viễn Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia hay Thái Lan, … Xuất phát điểm của nó rất có thể từ Trung Quốc rồi lan dần sang các nước khác theo một tiến trình giao lưu văn hóa. Từ đó, sơn mài Việt Nam trên con đường phát triển, ít nhiều chịu ảnh hưởng, tác động của sơn mài...
THỬ ĐI TÌM SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA HỘI HỌA VÀ ẢNH NGHỆ THUẬT
Lương Bửu Hoàng Việc nghiên cứu các mối quan hệ giữa mỹ thuật và nhiếp ảnh có rất nhiều góc độ khác nhau và còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, nên khi đi tìm sự tương đồng và khác biệt giữa hội họa và ảnh nghệ thuật ta sẽ bắt gặp không ít những vấn đề phức tạp. Hơn nữa, khi đặt chúng trong mối quan hệ đa chiều của nghệ thuật tạo hình thì lại nảy sinh những vấn đề không chỉ là sự riêng có giữa hội họa và ảnh nghệ thuật mà còn liên quan đến nhiều nghệ thuật khác như điêu khắc, đồ họa, trang...
CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI HỌA TẠI PHÁP VÀ GIẢI THƯỞNG HỘI HỌA “ĐÔNG DƯƠNG” (PRIX DE L-INDOCHINE)
CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI HỌA TẠI PHÁP VÀ GIẢI THƯỞNG HỘI HỌA ĐÔNG DƯƠNG (PRIX DE L INDOCHINE) MUỐN TÌM HIỂU VỀ HỘI HỌA VIỆT NAM VÀO ĐẦU THẾ KỶ XX VÀ GIẢI THƯỞNG CÓ TÊN LÀ ĐÔNG DƯƠNG , CHÚNG TA CẦN NÓI SƠ QUA VỀ HOÀN CẢNH CŨNG NHƯ CƠ CẤU HỘI HỌA TẠI NƯỚC PHÁP VÀO THỜI ĐIỂM ẤY VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI MỸ THUẬT VIỆT NAM. Ngô Kim Khôi Chú thích hình HÀN LÂM VIỆN VÀ CÁC TỔ CHỨC HỘI HỌA Nền hội họa Pháp chịu sự chi phối của Hàn lâm viện và các tổ chức hội họa. Viện Hàn lâm Pháp (Institut de France)...
Nét, Nhịp Điệu Trong Tranh VAN GOGH
Chú thích hình Van Gogh, hoặc Vincent, vì ông thích được gọi với tên này hơn, đã viết cho người em là nhà buôn bán tranh nghệ thuật Theo vào đầu tháng 9 - 1880, khi ông vừa mới quyết định trở thành một họa sĩ: Giờ đây anh nhìn sự vật với đôi mắt khác hơn trước lúc bắt đầu vẽ . Ông đã diễn tả cảm quan của mình về sự vật một cách nhẹ nhàng như vậy. Cuộc triển lãm Vincent Van Gogh: The Drawing do Viện Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York tổ chức đã...
Top 10 Khuynh Hướng Nghệ Thuật Đương Đại
Chú thích hình Edith Newhall NGHỆ THUẬT GOTHIC MỸ Hình ảnh về cuộc nội chiến và những khoảnh khắc đen tối trong lịch sử quốc gia là đề tài mà nghệ sĩ thể hiện những mối quan tâm về hiện tại Tác phẩm Một thế kỷ của tháng mười một tại trung tâm của Dario Robleto 2005 là một cái áo đầm để tang của đứa trẻ được làm bằng giấy. Bột giấy được nhào nặn từ những bức thư của những người lính không bao giờ trở về từ chiến tranh. Áo đầm được trang trí bằng mực chích từ những bức thư, những cái nút bằng...
Mỹ Thuật Đương Đại Trung Quốc Sẽ Trở Thành Một "Siêu Thế Lực"?
? Mao Trạch Đông Trong số các nghệ sĩ mỹ thuật hàng đầu thế giới hiện nay có hơn một nửa là người châu Á. Đây rõ ràng là một sự thay đổi lớn, bởi thị trường nghệ thuật thế giới đã nằm trong sự thống trị của các tên tuổi đến từ châu Âu suốt 500 năm. Trong số 20 họa sĩ đương đại ăn khách hàng đầu thế giới hiện nay có 13 nghệ sĩ châu Á, với 11 người đến từ Trung Quốc. Còn trong 10 tên tuổi bán được nhiều tác phẩm mỹ thuật nhất ở các cuộc đấu giá, châu Á có 6, với 5 nghệ sĩ là người Trung Quốc....
Hội Họa Pháp & Ảnh Hưởng Của Nó Tại Đông Dương
Nguyễn Văn Minh Trong hội họa, nước Ý đi trước các nước Châu Âu. Những năm 1300, Ý đã có những họa sĩ lớn, và từ năm 1400, có những danh họa vô song. Dòng họ Médicis gần như đã đam mê, ủng hộ nghệ thuật một cách cuồng nhiệt, làm sống động một sự phục hưng, và chính sự phục hưng này đã làm cho những nhà cầm quyền độc tài ở Florence, những giáo hoàng ở Rome, thấy được màu máu của nó cũng đã chảy trong những tĩnh mạch của các ông vua nước Pháp. Chuyển động phục hưng này đã được hưởng ứng một...
KẺ DỊ THƯỜNG DAMIEN HIRST
Y Chiêu Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, chưa có ai lập được kỳ tích như Damien Hurst, nghệ sĩ tạo hình đương đại người Anh 43 tuổi. Dù các tác phẩm của ông còn gây tranh cãi về giá trị thẩm mỹ, chúng đã gây được những cơn sốt không tài nào hiểu nổi trên thị trường. Người ta đã mua tất cả những gì có chữ ký của Hirst. NHỮNG KỶ LỤC Ngày 16 và 17/09 vừa qua (2008), Sotheby s London đã tổ chức đấu giá trực tiếp cho toàn bộ tác phẩm của Hirst. Điểm đặc biệt của sự kiện này là tác giả không thông qua...